top of page

#4 Mình bỏ học



Với bạn, "bỏ học" nghĩa là gì?


Với một đứa trẻ cấp hai, chỉ những học sinh cá biệt mới bỏ học.


Lên cấp ba, học sinh bỏ học có thể do phải du học hay ra nước ngoài.


Còn với một sinh viên đại học, có hàng tá lý do biện minh cho việc mình nghỉ học.


Eureka! Mình đã bỏ học đại học vào năm thứ 3. Còn bất ngờ hơn nữa, một sinh viên từng đạt học sinh giỏi thành phố, chợt tháo mọi sợi dây quan hệ với môi trường đại học.


Ở Việt Nam, bỏ học có thể là một khái niệm xa lạ. Chưa thực sự quen thuộc mới đúng. Chứ ở nước ngoài, chuyện nghỉ học giữa chừng diễn ra như cơm bữa. Có khoảng 70% học sinh trung học trên toàn nước Mỹ tốt nghiệp đúng hạn. Trong khi đó, với học sinh da màu và gốc Mỹ La tinh, tỉ lệ này chỉ bằng một nửa, 35%.


Còn nếu muốn lấy một minh chứng cụ thể hơn, hãy đến với Đại học Bách Khoa. Mỗi năm, có tới 800 sinh viên tại đây "say goodbye" do nhiều vấn đề khác nhau. Và đúng, phần lớn họ bỏ học không phải vì chương trình học quá khó.


Mà do lười, ham chơi.


Trở lại vấn đề chính, có ba nguyên nhân tác động tới quyết định "say goodbye" của mình.

  • Thứ nhất, môi trường học quá chán.

  • Thứ hai, không thích ngành học.

  • Thứ ba, đã tìm thấy tương lai.


Với lý do thứ nhất, những gì mình trải nghiệm ở môi trường đại học khác xa so với thời cấp ba. Trước hết, cần nhấn mạnh rằng đây là trải nghiệm của mình. Của cá nhân mình và thôi. Với bạn, có thể nó không đúng.


Ba năm cấp ba thực sự là quãng thời gian đẹp nhất đối với mình (tính đến hiện tại). Thật tuyệt khi mỗi ngày đi học có bạn bè để kể chuyện, có người bạn cùng bàn để mượn sách mỗi lần quên. Rồi biết bao lần hấp tấp, hối hả lấy sách vở đọc bài qua loa vì biết tiết sắp tới có kiểm tra miệng.


Và trên hết, những buổi làm việc nhóm tạo cơ hội cho mình được "đàn đúm", được đắm chìm trong không gian chỉ có bạn bè mà thôi (nghe sến quá). Để kể những câu chuyện hồi thanh xuân thì có thật nhiều, và tất nhiên đây không phải là thời điểm thích hợp.


Điểm chung của tất cả câu chuyện trên là gì? Chúng đều biến mất, không một dấu vết khi lên đại học. Mình chẳng có bạn. Những cuộc chuyện qua lại chỉ mang tính hình thức, chẳng có ý nghĩa nào cả. Khi làm việc nhóm, mỗi thành viên chỉ cố làm cho xong phần việc của mình. Kết quả ra sao, kệ xác nó. Chẳng có ai đồng hành trên những chặng đường đi học cả.


Mỗi tiết học khi này được chia thành ba khu vực riêng biệt. Đầu tiên, tốp những người không muốn học ngồi nói chuyện, chơi game hay lôi việc khác ra làm. Thứ hai, tốp những sinh viên cố gắng nạp kiến thức vào đầu, không chắc có thành quả hay không. Thứ ba, giáo viên ngồi nói tất cả những gì thấy trên slide. Và họ kệ xác những gì diễn ra phía dưới.


Chẳng có mối liên kết nào giữa sinh viên và giáo viên cả. Ít nhất là với những tiết học, những giáo viên mình từng gặp. Kết hợp với những kiến thức đã lỗi thời, những slide đã biên soạn từ những năm 2000, thử hỏi: "Bạn thật sự có muốn học không?"


Trước khi bước vào cánh cổng đại học, mình đã chuẩn bị cho những gì sẽ diễn ra. Nhưng không ngờ mọi thứ lại tệ bạc đến vậy.


Chuyển sang yếu tố thứ hai. Trước khi rời cánh cổng cấp 3, bố, mẹ và rất nhiều người khác khuyên mình nên học IT. Bởi lẽ, với một học sinh giỏi thành phố môn Tin học, chẳng có lý gì mình lại không chọn ngành này cả.


Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, mình bắt đầu thấy sai lầm. Những con số 0 - 1 (biểu trưng cho Tin học) không tạo cho mình cảm xúc mỗi khi chạm đến. Trước một vấn đề (problem), mình chỉ cố code cho đúng đáp án mà chẳng quan tâm đến việc tối ưu hay xử lý khi gặp vấn đề.


Song, đó chưa phải vấn đề lớn nhất. Chắc hẳn các bạn, ai cũng đã "sờ mó" đến ChatGPT rồi đúng không? Sự ra đời của chatbot này đã đánh thức lên hồi chuông cảnh báo rằng: nhân sự IT sẽ có biến động lớn trong tương lai.


Mà chẳng cần đến ChatGPT đâu, tình hình ngành trong nhiều năm gần đây đã đi xuống rồi. Nếu đọc báo nhiều, các bạn chẳng lạ gì những thông tin dạng "tập đoàn công nghệ A sa thải B người" hay "hàng nghìn nhân viên tại tập đoan C bị đuổi việc".


Ở Việt Nam, sóng sa thải IT cũng chẳng kém phần giông tố. Anh họ mình, một sinh viên IT mới ra trường, chật vật tìm việc làm suốt 1 năm qua (giờ vẫn đang ngồi chơi ở nhà). Ngay cả anh trai mình cũng đang thấp thỏm vì công ty sa thải một nửa nhân viên cũng như giảm lương những người ở lại.


"Ngành IT hết hot rồi". Sai bét! Mình tin rằng IT vẫn sẽ có chỗ đứng cho những ai thật sự đam mê, và thật sự muốn đồng hành. ChatGPT hay bất cứ một công cụ nào chỉ thay thế những công việc đơn giản, nói đúng ra là thế chỗ cho những người không có năng lực mà thôi. Còn nếu bạn giỏi, bạn vẫn sống khoẻ.


Cuối cùng, Vật Vờ Studio là đam mê của mình. Mình sẵn sàng cống hiến và làm hết sức có thể để giữ lửa cho đam mê đó. Tất nhiên, mình hài lòng với bán chất xám cho công ty này. Còn hơn là bán cho những gì mình không muốn, mình không đam mê.


Chỉ vậy thôi. Cheers!





Comments


bottom of page